Hạn chế các rủi ro do nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Con số 4,79 triệu m3 gỗ quy tròn và 1,66 tỷ USD về lượng và giá trị gỗ tròn và xẻ nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2015 cho thấy, gỗ nguyên liệu nhập khẩu vẫn đóng vai trò rất quan trọng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu nhưng cần kiểm soát rủi ro nguồn gỗ này bằng cách minh bạch thông tin.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Việt Nam nhập khẩu (NK) gỗ nguyên liệu: Cơ hội và rủi ro trong bối cảnh hội nhập” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) và Tổ chức Forest trends tổ chức ngày 4/4/2016, tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, năm 2015, lượng gỗ nguyên liệu NK lên tới 4,79 triệu m3, tăng 11,3% so với lượng NK của năm 2014 và 14% so với năm 2013. Giá trị kim ngạch gỗ nguyên liệu ở mức cao, khoảng 1,5-1,7 tỷ USD, nhưng vẫn giảm 60 triệu USD so với giá trị kim ngạch năm 2014.

Tương tự, lượng gỗ xẻ NK vào Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Trong năm 2015, Việt Nam NK khoảng 2,21 triệu m3 gỗ xẻ, tương đương với 3,09 triệu m3 gỗ tròn. Số gỗ này bao gồm khoảng 150 loài gỗ khác nhau từ 86 quốc gia vùng lãnh thổ. Trong khi năm 2014, dòng gỗ này NK khoảng 2 triệu m3, với khoảng 160 loài khác nhau, từ 96 quốc gia vùng lãnh thổ…

Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest trends, xu hướng này cho thấy một số tín hiệu tích cực. Đó là có sự dịch chuyển trong cơ cấu NK nguyên liệu, với lượng NK các loài gỗ từ các quốc gia có tính hợp pháp của gỗ rất cao như Hoa Kỳ và Châu Âu. Đây cũng là tín hiệu đảm bảo sự tuân thủ với các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường tiêu thụ quốc tế.

Bên cạnh đó, xu hướng này còn cho thấy sự dịch chuyển trong cơ cấu NK, từ các các loại gỗ quý có giá trị thị trường rất cao, sang các loài gỗ có giá trị thị trường thấp hơn… “Cơ cấu NK thay đổi có thể phản ánh dịch chuyển trong cơ cấu thị trường, như giảm nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm gỗ quý, giá trị cao tại Trung Quốc, sang tiêu thụ dòng gỗ bình dân hơn tại thị trường nội địa. Các loại gỗ có giá trị thấp hơn được NK nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước”, ông Phúc cho biết.

Tuy nhiên cũng theo ông Phúc, không loại trừ khả năng, sự sụt giảm về các loại gỗ quý nhập khẩu, đặc biệt các loại gỗ thuộc nhóm 1 (gỗ đỏ, trắc, gụ mật, hương, sa mu, cẩm lai) cũng có thể là do tác động của chính sách tại các nước XK, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gỗ nguyên liệu XK.

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực nêu trên, các đại biểu cho rằng, bức tranh tổng quan về Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong những năm vừa qua cũng cho thấy một số mặt hạn chế của ngành Gỗ.

Nói về rủi ro về vấn đề nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong bối cảnh hội nhập, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, một số lượng khá lớn về các loài gỗ nhập khẩu (160-170 loài) và quốc gia, vùng lãnh thổ (70-90) nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam là một thách thức vô cùng lớn đối với việc kiểm tra tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Quyền, hiện đang tồn tại ít nhất 2 rủi ro cơ bản về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu NK vào Việt Nam, bao gồm việc NK các loài gỗ quý, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ thuộc nhóm 1 và nhóm 2 (lim, căm xe, kiền kiền, sao), là các loại gỗ quý, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên vẫn ở mức cao.

Một số loại gỗ trong các nhóm này nằm trong phụ lục CITES và hiện đang bị hạn chế về mặt thương mại. Mặc dù lượng nhập các loại gỗ nhóm 1 có xu hướng giảm, lượng nhập các loại gỗ nhóm 2 lại tăng. Nguyên nhân tăng, giảm có thể do tác động của chính sách của các quốc gia XK, tuy nhiên nguyên nhân cơ bản là do thay đổi thị trường tiêu thụ các sản phẩm này, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, “NK gỗ nguyên liệu từ các quốc gia được coi là nơi có độ rủi ro cao, như các nước thuộc khu vực tiểu vùng Sông Mê Kông và các nước Châu Phi vẫn ở mức rất cao. Hạn chế NK gỗ nguyên liệu từ các nguồn này sẽ trực tiếp góp phần giảm rủi ro cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, với lượng NK rất lớn, loại bỏ hoàn toàn rủi ro từ nguồn này sẽ là trở ngại lớn cho Việt Nam”, ông Quyền phân tích.

Vì vậy, để kiểm soát rủi ro nhập khẩu gỗ trong bối cảnh hội nhập, ông Quyền kiến nghị, kiểm soát rủi ro hiệu quả đòi hỏi cần phải tiếp cận được với các thông tin minh bạch có liên quan đến các loại gỗ NK. Để thực hiện điều này, bước quan trọng đầu tiên mà Việt Nam nên tiến hành là chuẩn bị danh sách tất cả các loại gỗ nguyên liệu được nhập khẩu vào Việt Nam. Danh sách này cần có tên của các loài gỗ, bao gồm tên địa phương, tên tiếng Anh và tên La Tinh.

Đặc biệt, danh sách cũng cần có thông tin về địa bàn khai thác của từng loại gỗ. Việt Nam có thể yêu cầu sự trợ giúp của các cơ quan chức năng từ các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam nhằm cung cấp thông tin về địa bàn khai thác, tình trạng đất đai, tình trạng sở hữu đối với cây đứng…đối với từng loài gỗ nhập khẩu. Các thông tin sẽ góp phần quan trọng trong việc xác định các rủi ro có liên quan trực tiếp nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo ông Quyền, thông tin trao đổi với các doanh nghiệp trực tiếp đang tham gia nhập khẩu sẽ giúp cơ quan quản lý của Việt Nam có một bức tranh hoàn thiện hơn về gỗ nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giúp cho việc xác định các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu hiệu quả trong tương lai./.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận