Tăng diện tích gỗ nguyên liệu

Hơn 10 năm qua, ngành chế biến gỗ nguyên liệu có bước phát triển rất mạnh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 4,57 tỷ USD, tăng gần 200% so với năm 2007. Việt Nam là nước chế biến gỗ số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và số 6 thế giới. Hiện cả nước có 3.900 doanh nghiệp chế biến gỗ với khoảng 300.000 lao động, 95% trong số này là DN tư nhân, gồm cả DN nước ngoài (FDI)

Dù chỉ chiếm 10% về số lượng nhưng DN FDI lại có vai trò quan trọng, chiếm 35% về kim ngạch xuất khẩu, với thiết bị hiện đại, chất lượng sản phẩm cao, ổn định. Năng lực chế biến gỗ khoảng 15 triệu m3 gỗ tròn/năm, chủ yếu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến. Nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng mạnh, kim ngạch tăng từ 151 triệu USD năm 2000 lên 1,3 tỷ USD năm 2011.

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, xu hướng các nước là giảm dần xuất khẩu nguyên liệu gỗ tròn và việc hợp pháp hóa gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ ở những nước nhập khẩu. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực để ngành chế biến gỗ quay lại thị trường nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. 2 năm qua, kim ngạch nhập khẩu gỗ giảm dần, năm 2012 chỉ bằng 90% so với năm 2011. Dự báo giai đoạn năm 2010 – 2030, lượng nguyên liệu gỗ nhập khẩu giảm còn 40% và 25% nhu cầu. Thay vào đó là tăng gỗ rừng trồng trong nước.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền (phó Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Việt Nam-Vifores), chính sự phát triển ngành chế biến gỗ là động lực phát triển diện tích rừng trồng, cũng như những thị trường chính trên thế giới là châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia… đang ngày càng thắt chặt những quy định về nguồn gốc nguyên liệu gỗ chế biến như luật FLEGHT, LACEY hay AILPA.

Nhưng để việc sử dụng gỗ trồng trong nước một cách hợp lý, hài hòa quyền lợi các bên, cần sớm hình thành các chuỗi cung ứng, kết nối giữa người dân, DN trồng rừng với DN chế biến và xuất khẩu gỗ nguyên liệu , qua đó từng bước tiến tới hạn chế việc xuất khẩu gỗ dăm, cũng như có nghiên cứu để tạo ra giống cây rừng chất lượng hơn. Điều này rất cần thiết vì hiện nay chất lượng cây keo tai tượng và bạch đàn trồng ở Việt Nam thua kém nhiều nước.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận