Phát Triển Nội Dung Bởi Team Quản Trị Website
đồng phục văn phòng đẹp may theo yêu cầu số lượng sỉ lẻ
Bài đăng

Những cạm bẫy trước mắt sinh viên

Sinh viên, đặc biệt là những tân sinh viên có lẽ vì tò mò, vì thiếu tiền và mù mờ về thông tin nên không ít bạn đã sập bẫy những kẻ lừa tiền, lừa tình.
Bị “móc túi”, lạm dụng vì kiếm việc làm thêm
Phần lớn, với mong muốn kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình và có những kinh nghiệm trong cuộc sống, các bạn sinh viên đều sẵn sàng lên mạng, hay đến các trung tâm môi giới “săn” việc làm thêm.
Nắm bắt được nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên, các trung tâm môi giới việc làm đã đưa ra các chiêu quảng cáo với mức lương hấp dẫn mà công việc lại khá đơn giản nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của các sinh viên.
Trong vai một sinh viên “khát” việc làm thêm, tôi đến một trung tâm gia sư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Em trực điện thoại đọc cho tôi danh sách khá dài địa chỉ cần thuê gia sư với mức lương không dưới 200.000 đ/buổi, trong khoảng 1,5 - 2 giờ.
Nhưng để được biết địa chỉ rõ ràng, em yêu cầu tôi nộp 150.000 đồng tiền quản lý nhân sự và đưa ra bản hợp đồng là mất nửa tháng lương đầu tiên ngay khi nhận viêc.
Theo quan sát, trung tâm môi giới việc làm “móc túi” từ 100.000 - 150.000 của các bạn sinh viên đang thực sự “khát” việc một cách dễ dàng, đơn giản với lý do cũng hết sức đơn giản: Quản lý hồ sơ, nhân sự. 
Việc mất khoản tiền này cũng chỉ đảm bảo bạn sẽ được trung tâm lưu ý, cố gắng tìm việc làm theo nguyện vọng, năng lực của các bạn. Còn việc bạn có việc làm hay không vẫn phải chờ…
Thực tế cho thấy, không ít các nạn nhân là sinh viên đã sa bẫy các trung tâm, công ty lừa. Bạn Hoàng Nam (sinh viên năm 2, ĐH Sư phạm Hà Nội) tâm sự: 
“Ngay năm đầu tiên lên Hà Nội học tôi đã muốn đi làm thêm kiếm tiền giúp bố mẹ, tôi có tìm đến một trung tâm gia sư được giới thiệu. 
Ở trung tâm đó, họ cho tôi chọn các lớp khác nhau với điều kiện phải đóng nửa số lương tháng đầu cho họ, tôi đã chọn dạy lớp Toán 12, giá 180.000 đồng/buổi, tính ra là 1.600.000 đồng/tháng và tôi phải nộp cho trung tâm là 800.000 đồng. 
Nhưng không may tôi gặp phải học sinh không chịu học, ương bướng, dạy được vài buổi thấy không thể tiếp tục lại phải từ bỏ. Đến trung tâm xin lại tiền đặt cọc thì nhận được câu trả lời: không còn trách nhiệm từ khi đưa tới nhận học sinh. Thế là đành ngậm ngùi biếu tiền cho trung tâm “lừa”!
Bạn Hương Trà (sinh viên một trường cao đẳng Hà Nội) chua xót kể: Ngay từ chưa nhập học em đã ấp ủ ước mơ lên Hà Nội vừa học vừa làm để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống vì bố mẹ ở quê rất nghèo. 
Thế nên vừa mới chân ướt, chân ráo lên Hà Nội, Trà với ngoại hình cao ráo, ưa nhìn đã nhanh chóng được nhận vào làm phục vụ cho một quán cà phê với mức lương 150.000 đồng/ca.
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, cô chợt nhận ra đây là quán cà phê trá hình, lợi dụng sinh viên để hút khách. Và điều gì đến sẽ đến, Trà phải bỏ của chạy lấy người ngay sau khi bị một khách hàng ngang nhiên sàm sỡ.
Lao động kiếm tiền, có thêm thu nhập giúp gia đình là việc nên làm, nhưng các bạn sinh viên cần phải cảnh giác trước những công việc nhàn hạ “hái” ra tiền, mà những kẻ “đục nước béo cò” dệt nên trước mắt.
Vì vậy, sinh viên khi kiếm việc làm thì cần phải tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín, có địa chỉ rõ ràng và đặc biệt cần tham khảo nguồn tin về công việc đó để tránh mất tiền, mất thời gian.

Tỉnh táo khi gặp kẻ gạ tình
Một số trường hợp các bạn nữ được coi là “hotgirl” thường xuyên bị một số kẻ lạ mặt tự xưng là đại gia gạ tình đổi tiền 1 cách trắng trợn thông qua mạng xã hội hoặc tin nhắn.Từ trước đến nay, chuyện gạ tình vốn chẳng mấy xa lạ trong giới trẻ. Chỉ cần là bạn gái, nổi nổi một chút, xinh xinh một chút là dễ dàng có ngay một ngày vài cái tin nhắn trên Facebook, gợi ý làm quen, kết bạn
Trường hợp của Thụy An (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, Hà Nội) đang sử dụng trang facebook cá nhân khá nổi và thu hút hơn 245.000 lượt người theo dõi không giấu giếm, tâm sự: 
“Thỉnh thoảng nhận được những lời gạ gẫm không hay từ các đại gia nhưng Thụy An luôn tìm cách từ chối khéo léo”. Cô cho rằng nhiều người thấy mình chụp ảnh sexy nên nghĩ này nọ, do đó khi tiếp xúc mình cần khẳng định cho họ rõ mục đích là cách hay nhất để tránh hiểu lầm.
Nhiều bạn gái có bản lĩnh và ý thức được giá trị bản thân sẽ dễ dàng vượt qua những cám dỗ này, nhưng cũng có không ít bạn gái vì đua đòi, muốn được “đổi đời” đã không chút đắn đo lao vào các cuộc tình sặc mùi tiền mà không nghĩ đến hậu quả của nó.
Cũng có những sinh viên đã phải ân hận suốt đời chỉ vì một phút nhẹ dạ, cả tin bởi các chiêu trò lừa bịp của các "đại gia" khá tinh vi.
Thu Hiền từng rất hãnh diện với bạn bè vì có người yêu đại gia, anh ta lo cho Hiền một cuộc sống khá đầy đủ, nào nhà, nào xe, nào điện thoại theo mốt… 
Hiền tâm sự: “Nửa năm đầu yêu nhau, anh ta coi em như nữ hoàng, cho em đi du lịch nước ngoài, nước trong… Em tự thấy mình số may mắn gặp được người tử tế. Cả hai đã nghĩ đến chuyện đợi em ra trường rồi cưới”. 
Thế nhưng mọi chuyện lại không như Hiền nghĩ, cô cay đắng kể tiếp: Mỗi lần anh ta rủ em đi tiếp khách cùng, cả anh ta và bạn đều coi em như món đồ chơi. Lúc ấy em mới biết bọn họ gọi em là “rau sạch”, và em chỉ là thứ quà tặng nếu đối tác của anh ta cần.
Ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch năm nào của Hiền đã tan biến sau cái gật đầu nhẹ dạ và những chuyến đi du lịch dài ngày…
Cạm bẫy không chỉ giăng mắc với những bạn nữ, ngày nay ma lực của đồng tiền khiến cho các bạn trẻ quay cuồng và dễ mắc sai lầm. Các nam sinh viên thường truyền tai nhau về nghề vệ sĩ, làm kép dìu nhảy (khiêu vũ) kiếm được rất nhiều tiền.
Tuấn Dũng – Cậu sinh viên nhút nhát sinh ra từ miền quê nghèo, đã không ngờ cuộc đời mình lại thay đổi khi tham gia khóa học khiêu vũ của Đoàn trường. Mọi người khen cậu có năng khiếu khiêu vũ nên đi vào các lớp học nhảy để làm kép dìu nhảy tăng thu nhập.
Dũng nghĩ là làm. Ở các lớp học nhảy, đa số học viên là những chị em có độ tuổi ngoài 35 và dưới 45. Đây đều là những chị em có điều kiện kinh tế tốt. 
Chồng họ là cổ máy kiếm tiền, có địa vị nhất định trong xã hội, nhưng quay cuồng theo công việc, thời gian cho vợ con vô cùng ít. Giữa môi trường ấy, Dũng trở thành mục tiêu của các quý bà, quý cô, ai cũng muốn cậu dìu mình nhảy. Số tiền bo kiếm được, trước đây Dũng có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
Dần dần, Dũng trở thành trai bao lúc nào không hay khi các quý bà gọi lúc nào là cậu có mặt lúc ấy. Có những đêm Dũng không kịp thở, vì hoàn toàn bị cuốn theo sự điều khiển của quý bà. Dũng chỉ được buông ra khi toàn thân đã héo như một dải khoai ngoài nắng.
Khi đã hết hạn sử dụng, Dũng bị các quý cô, quý bà bỏ một cách không thương tiếc. Đấy cũng là lúc Dũng biết mình phải học lại thêm một năm nữa. 
Không biết cái giá ấy là đắt hay là rẻ, là lãi hay là lỗ? Nhưng nhìn tờ thông báo kết quả học tập quá bết bát rồi nghĩ lại những tháng ngày phục tùng quý bà triền miên đã qua, Dũng vẫn không khỏi rùng mình và sợ chính bản thân mình.

Đăng nhận xét

© GREEN ECOLIFE VIỆT NAM. All rights reserved. Developed by Jago Desain